07-12-2021   12854

Những điểm mới trong chương trình đào tạo Thạc sĩ tại Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh

Vừa qua, Hội đồng trường Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã thông qua Đề án tuyển sinh chương trình đào tạo thạc sĩ năm 2021 căn cứ theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành với nhiều điểm mới đáng chú ý. 

 

Người dự tuyển phải tốt nghiệp từ khá trở lên
Đối với chương trình định hướng nghiên cứu, người dự tuyển phải tốt nghiệp từ khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập, nghiên cứu. 
Đối với chương trình định hướng ứng dụng, Nhà trường đã bãi bỏ điều kiện về thâm niên công tác chuyên môn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dự tuyển chưa có thâm niên công tác có cơ hội được đăng ký và học tập.

 

Năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên 
Người dự tuyển phải có năng lực ngoại ngữ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có các chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được quy định. Nếu ứng viên chưa có chứng chỉ ngoại ngữ theo yêu cầu thì phải tham gia bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh) do nhà trường tổ chức.

Bảng tham chiếu quy đổi một số văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ tương đương bậc 3 và bậc 4 Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam

 

Điều kiện đối với ứng viên dự tuyển là công dân nước ngoài
Ứng viên dự tuyển là công dân nước ngoài nếu đăng ký theo học các chương trình đào tạo thạc sĩ bằng tiếng Việt phải đạt trình độ tiếng Việt từ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài hoặc đã tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) mà chương trình đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Việt; đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ thứ hai theo quy định của cơ sở đào tạo (nếu có). 
Cùng với đó, đối với chương trình đào tạo được giảng dạy và học bằng tiếng nước ngoài, ứng viên phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ được quy định trong Thông báo về việc tuyển sinh bổ sung chương trình đào tạo thạc sĩ Luật tại Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh 2021.

 

Tuyển sinh theo hình thức xét tuyển kết hợp phỏng vấn đánh giá năng lực người dự tuyển
Trước đây, theo Đề án tuyển sinh cũ, Nhà trường chỉ tổ chức tuyển sinh trực tiếp theo phương thức thi tuyển với các môn Triết học, Lý luận Nhà nước và pháp luật và Tiếng Anh. Tuy nhiên, theo đề án mới ban hành, năm nay, chương trình đào tạo Thạc sĩ tuyển sinh theo hình thức xét tuyển kết hợp phỏng vấn đánh giá năng lực người dự tuyển. Quy trình xét tuyển gồm 02 bước:
- Bước thứ nhất: Xét hồ sơ
        + Đối với định hướng nghiên cứu căn cứ vào các yếu tố (kết quả học tập ở bậc cử nhân; Đối tượng ưu tiên; thành tích nghiên cứu khoa học đã có) chiếm tối đa 70 điểm.
        + Đối với định hướng ứng dụng căn cứ vào các yếu tố (kết quả học tập ở bậc cử nhân; Đối tượng ưu tiên; thành tích nghiên cứu khoa học đã có; kinh nghiệm công tác) chiếm tối đa 70 điểm.
- Bước thứ hai: Ban chuyên môn phỏng vấn trực tiếp người dự tuyển về các nội dung (kiến thức nền tảng khoa học pháp lý và hiểu biết về ngành đào tạo dự tuyển; kỹ năng) chiếm tối đa 30 điểm.

 

Mức học phí
Học phí cho năm học 2021-2022 được Nhà trường xây dựng là 45.000.000đ/01 năm/01 học viên. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh, nhằm chia sẻ với người học, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mức thu học phí năm học 2021-2022 vẫn giữ nguyên như năm học 2020-2021, cụ thể là 27.000.000đ/01 năm/01 học viên.
Học phí năm học 2022-2023: Dự kiến 46.880.000/01 năm/01 học viên.

 

Nhìn chung, quy chế tuyển sinh chương trình đào tạo Thạc sĩ của Trường ĐH Luật Tp. HCM thay đổi phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại, nắm bắt được nhu cầu, xu thế của thị trường lao động, đáp ứng được nguyện vọng nâng cao kiến thức của các cử nhân đã tốt nghiệp ngành Luật trong và ngoài trường.

 

Link thông báo tuyển sinh thạc sĩ: Thong_bao

 

Nội dung: Thanh Ngân

Biên tập: Hoàng Thư